(THO) - Cho đến ngày hôm nay khi niềm vui đã ùa về và những giây phút thăng hoa chen cả vào giấc ngủ tôi vẫn không quên được những kỷ niệm đáng nhớ về những ngày tìm đường tiếp cận với nghề nuôi chim yến.
Năm 2009, có dịp vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, được trực tiếp nhìn thấy những nhà nuôi yến cùng với những thông tin có được về loài chim quý này tôi tự hỏi tại sao Thanh Hóa không có được sự may mắn đó. Đây là nghề “độc nhất vô nhị”: không phải chi phí đầu tư giống, thức ăn, lao động, lại là thiên địch của các loài côn trùng gây hại cây trồng và cho ra loại sản phẩm con người mong đợi. Công việc duy nhất là làm nhà gọi chim đến và từ đó tiếp nhận loại sản phẩm vô cùng quý giá từ chim ban tặng. Như vậy chính chim yến nuôi người chứ không phải con người nuôi chim yến.
Từ nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy khẳng định giống chim quý này chỉ có ở vùng Đông - Nam Á. Ở Việt Nam, chim yến thích hợp với điều kiện sinh thái có nền nhiệt cao quanh năm và vì vậy chỉ tổ chức nuôi được ở các tỉnh phía Nam từ đèo Hải Vân trở vào. Cơ quan đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tại TP Hồ Chí Minh cũng chỉ khuyến cáo các tỉnh khu vực phía Nam tiếp cận công nghệ và tổ chức các mô hình nuôi chim yến. Như vậy, có thể nói rằng các tỉnh phía Bắc chưa có trong tầm ngắm và cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với nghề nuôi chim yến - một nghề có hiệu quả kinh tế rất cao này.
Bày tỏ khát vọng của mình muốn có nghề nuôi chim yến ở Thanh Hóa, tôi đã nhận được những lời khuyên chân thành: “Đừng mơ mộng điều gì nếu không thực tế, tốt nhất hãy tìm một nơi nào đó ở phía nam để thực hiện niềm mơ ước đó”. Biết như vậy tôi vẫn tự động viên mình hãy thử nhập cuộc xem sao. Tôi tự hiểu rằng: khoa học không phải là con đường bằng phẳng, nếu chỉ biết chấp nhận những gì đã có thì làm gì có những sản phẩm khoa học vô giá mà con người đang được tận hưởng. Hãy cố gắng vào cuộc có thể sẽ tìm ra một con đường đi mới. Vì vậy tôi vẫn ấp ủ tham vọng về đối tượng nuôi rất mới này tại Thanh Hóa.
Ý tưởng đó mở đầu bằng việc tổ chức khảo sát thử bằng máy chuyên dùng ngay trên nóc nhà của gia đình tôi. Thật quá bất ngờ, chỉ trong ít phút kể từ khi máy phát hoạt động đã có chim yến xuất hiện bay lượn gần nơi đặt máy, tuy số lượng chưa nhiều nhưng là tín hiệu vô giá rất đáng quan tâm vì có thể hiểu rằng Thanh Hóa đang có giống chim quý này tồn tại.
Ngay sau đó, trong tháng 9 và tháng 10-2010 chúng tôi đã mở rộng địa bàn khảo sát. Khu vực núi Mật, núi Long (TP Thanh Hóa) là điểm khảo sát tiếp theo. Kết quả vượt cả sự mong đợi khi đàn chim tiếp cận với mật độ khá cao trong thời gian rất ngắn.
Tại khu vực núi Long việc khảo sát còn lặp lại lần 2, lần 3, kết quả lần nào cũng đạt được mỹ mãn với sự hồ hởi của mọi người tham dự. Khu vực này điều kiện sinh thái rất hấp dẫn vì xa khu dân cư, có núi đá, có các hồ nước xung quanh và các cánh đồng rộng cận kề là nơi cung cấp nguồn thức ăn vô tận cho chim.
Từ kết quả những lần khảo sát trên, chúng tôi đi đến kết luận chắc chắn rằng: Chim yến - giống chim quý của Việt Nam và vùng Đông - Nam Á, đã và đang sinh sống tại Thanh Hóa.
Bước tiếp theo là phải xây dựng được mô hình nuôi yến tại vùng sinh thái mới này điều mà trước đây có lẽ chưa ai nghĩ tới. Tìm đến một số tổ chức, cá nhân có tiềm năng vận động hợp tác nhưng không được chấp nhận. Các tư liệu hiện hữu về đối tượng này đang là vật cản của những người quan tâm. May mắn thay một chủ trang trại ở phía tây núi Long có tên là Nguyễn Kiên Thọ người nhiều lần tham gia khảo sát, đã tự nguyện đồng hành với Hội CNSH với tư cách là chủ đầu tư xây dựng mô hình và tiếp thu công nghệ. Hành động dũng cảm của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc, tin tưởng trong chúng tôi. Bên cạnh đó sự giúp đỡ về chủ trương, địa điểm xây dựng của lãnh đạo TP Thanh Hóa cũng là nhân tố quan trọng để công trình trở thành hiện thực.
Nhà nuôi yến được tổ chức thi công rất khẩn trương. Vị trí xây dựng khá phức tạp, phải kéo dài nhiều tháng mới hoàn thành.
Công việc tiếp theo là lắp đặt thiết bị phát âm thanh để gọi chim đến, thiết bị nội thất cho chim làm tổ, phun chất dẫn dụ bên trong và các thiết bị cần thiết khác.
Giai đoạn dẫn dụ chim và kết quả sau đó là thời gian đáng ghi nhớ nhất. Ngược lại với những lần khảo sát trước đây tại cùng địa điểm vào năm 2010 với kết quả thu được khá mau lẹ và rất khả quan trong thời gian ngắn ngủi thì lần này kết quả sau nhiều ngày vẫn chỉ là số không tròn trĩnh. Mặc dù loa phát dẫn dụ tiếng chim hoạt động với cường độ âm thanh cao hơn, vang xa hơn trước, bao trùm vùng không gian rộng lớn xung quanh nơi đặt máy. Nhiều ngày qua đi vẫn không hề thấy chim yến xuất hiện. Tâm lý bi quan, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng bao trùm những người trong cuộc.
Và, cũng từ đó các ý kiến trái chiều bắt đầu xuất hiện, ý kiến phản bác có, phê bình có và thông cảm, chia sẻ động viên cũng có. Có ý kiến cho rằng đây là hành động mạo hiểm, liều lĩnh thiếu căn cứ khoa học. Ý kiến khác phân tích: với thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ quá thấp, rét đậm, rét hại kéo dài chưa từng có vừa qua lại là nguyên nhân của sự cố nêu trên. Trong điều kiện như vậy việc chim phải đến nơi ấm áp để tránh rét, tìm kiếm thức ăn duy trì sự sống là lẽ đương nhiên của quy luật sinh tồn. Có người nói đây là thử thách tuy bất ngờ cần có, nếu vượt qua được thì tính khả thi của công trình khoa học sẽ được khẳng định.
Chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía sự nhọc nhằn, vất vả nhiều khi quên ăn, mất ngủ trong những ngày chờ đợi với hy vọng nhỏ nhoi. Còn riêng tôi lại cảm thấy mình có lỗi đôi khi bắt gặp chị Hà - người luôn sát cánh với công việc của chồng chị - với đôi mắt ướt lệ khi nhìn lên ngôi nhà không một bóng chim yến vào ra.
Mọi chuyện tưởng chừng kết thúc tại đây, nhưng rồi thật quá bất ngờ, bất ngờ đến mức không dám tin đó là sự thật, những ngày đầu của tháng 7 năm 2011 niềm vui vô hạn đã đến với chúng tôi, những đôi chim yến đầu tiên xuất hiện, bay lượn, thăm dò, khảo sát, tiếp cận công trình. Lượng chim tăng lên rất nhanh theo thời gian, vào ra, quây quần, nhộn nhịp vào thời điểm sáng sớm và lúc cuối ngày. Không thể đếm chính xác được nhưng đến thời điểm này nhiều người dự đoán đã có hàng ngàn cá thể vào đây cư ngụ. Hơn thế nữa nhiều chim yến đã được sinh ra, trưởng thành, đủ lông đủ cánh tại đây. Kèm theo nó là hàng trăm tổ yến - loại sản phẩm mọi người mong đợi - đã được tạo ra ngay trong nhà nuôi yến tự tạo. Còn gì vui hơn khi tận mắt thấy đàn chim yến trở về vào nhà cư ngụ và bắt đầu cho ra những sản phẩm đầu tiên quý giá ngay tại TP Thanh Hóa của chúng ta.
Thử thách vừa qua tuy đắt giá nhưng vô cùng hữu ích. Có thể nói con đường đến đích của một nghề mới tuy không bằng phẳng nhưng không phải không thể đến được bằng nghị lực ý chí và sự sáng tạo.
Chim yến đã về, hy vọng sau một chu kỳ sản xuất - 12 tháng, một công trình khoa học táo bạo và dũng cảm (theo đánh giá của GSVS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) – một nghề mới ở Thanh Hóa sẽ được khẳng định.
Phan Ánh
Chủ tịch Hội Công nghệ sinh học Thanh Hóa